Đặt hành khách vào vị trí trung tâm, xem đơn vị vận tải là đối tác bình đẳng; đồ đạc bị bỏ quên của khách được cất giữ và trưng bày tại một khu vực dễ tìm; nhà chờ có điều hòa, lướt internet miễn phí; dành phòng tắm miễn phí cho lái xe; kiểm soát an ninh bằng camera hiện đại… là đặc trưng của Bến xe Nước ngầm Hà Nội.
Toàn cảnh bến xe nhìn từ bàn uống cà phê trên tầng 2
Bến xe Nước Ngầm (nằm tại vị trí ngã ba Pháp Vân – Giải Phóng) đang xếp hạng 3, nhưng lại có nhiều điểm mà bến hạng nhất không có (tiêu chí xếp loại bến xe hiện nay chủ yếu căn cứ vào diện tích). Trong khi Bộ GTVT đưa ra nhiều tiêu chí với các công trình giao thông tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận, bến xe này là một trong những nơi đầu tiên hưởng ứng. Trong nhà chờ, hoặc bên cạnh cầu thang lên tầng 2 có lối riêng cho xe lăn. Đây cũng là một trong số ít bến xe dùng nhiều biển báo chỉ dẫn hành khách như nhà ga sân bay.
Sơ đồ: Sơ đồ hướng dẫn hành khách
Bến xe này được nhiều hành khách đánh giá tốt về an ninh, trật tự. Hầu như các vị trí trong bến đều được gắn máy quay để theo dõi. Chỉ cần xẩy ra một cuộc xô xát nhẹ, ngay lập tức lực lượng bảo vệ có mặt để xử lý. Trong khi tới giờ xe chạy, hành khách có thể lên tầng hai dùng cơm, nhâm nhi cà phê trong phòng lắp điều hòa nhiệt độ, phóng tầm mắt ra khoảng không gian thoáng đãng phía trước. Bến xe còn dành riêng một khu trưng bày tư trang, hành lý của khách bỏ quên. Trong năm 2013, khoảng 10 chiếc máy tính xách tay của khách để quên được trả lại. Đây là bến xe duy nhất tại Hà Nội kiểm soát xe máy ra vào bằng vé từ. Ông Nguyễn Văn Lập, GĐ Bến xe Nước ngầm, cho biết: “Là bến cổ phần nên chúng tôi tự chủ trong điều hành. Và, định hướng điều hành là đặt hành khách vào vị trí trung tâm; đơn vị vận tải là đối tác bình đẳng để hướng đến một dịch vụ văn minh, lịch sự, chất lượng cao, thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với xã hội”. Cung cách làm việc của Bến xe Nước ngầm minh bạch kiểu đối tác nên hai bên thống nhất bằng những quy tắc trong hợp đồng. Nhà xe vì thế không phải đóng bất cứ khoản “tiêu cực phí” nào ngoài những gì đã cam kết. Bên cạnh những tiện nghi nói trên, tới đây, bến xe sẽ có phòng riêng cho nhân viên nhà xe ngả lưng, uống cà phê hay xem truyền hình để thư giãn. “Lái xe vặn vô lăng trên đường dài dằng dặc rất mệt mỏi. Nếu tạo điều kiện cho họ nghỉ ngơi, chắc chắn những chuyến xe xuất phát từ bến xe này sẽ có hành trình an toàn” – ông Lập nói.
Khu trưng bày hành lý của khách bỏ quên. Tác giả ảnh: Như Ý
Có lẽ, với cách thức quản lý hiện đại đó, nên Nước Ngầm là bến xe duy nhất ở Thủ đô thu hút được xe khách quốc tế. Bến có xe đi Lào (Viêng Chăn, Luông Pa Băng, Chăm Pa Sắc, Xiêng Khoảng, Văng Viêng, Pắc Xế) và Nam Ninh (Trung Quốc). Trong lần tới thăm bến xe này gần đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng khen bến “điển hình” và mong muốn ngày càng có nhiều bến xe như Nước Ngầm. Bến xe Nước Ngầm vừa được mở rộng lên gần 20 nghìn m2, với công suất 700-800 lượt/ngày, bằng diện tích các bến lớn ở Hà Nội. Việc đầu tư mở rộng phù hợp với chủ trương xã hội hóa bến xe của Bộ GTVT và Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, Nước Ngầm cũng như các bến xe xã hội hóa khác (hiện đại, đẹp) tại Nam Định, Đà Nẵng hay Lâm Đồng gặp khó khi quyền quyết định điểm đến của xe khách (cũng là bạn hàng của bến xe) nằm trong tay cơ quan quản lý. Trao đổi với PV Tiền Phong, người điều hành bến xe hiện đại nhất Thủ đô, trăn trở: “Hà Nội cần khoanh vùng các bến xe trong một khu vực có cùng hướng tiếp cận của xe khách đến với Thủ đô. Trong khu vực đó, không cần quyết cho xe về với Nước Ngầm hay bến nào cụ thể. Hãy để các bến xe tự cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ của mình”.
Theo Tiền Phong