Skip to content

Nhiều trẻ em phải nhập viện vì bố mẹ sử dụng điều hòa không có ý thức

1154 lượt đọc
Trẻ em có thân nhiệt rất cao và hay thay đổi, việc cho bé nằm điều hòa liên tục thường làm bé bị mắc các bệnh hô hấp, nếu bị nhiều lần có thể thành mãn tính.

Dù “sống trong sung sướng”, cho bé nằm điều hòa mát rượi cả ngày nhưng vì thiếu cẩn trọng mà nhiều cha mẹ đã phải khóc ròng khi con em mình bị viêm phổi, viêm họng. Trời nắng nóng gay gắt kéo dài như hiện nay khiến nhà nào dù muốn tiết kiệm điện cũng chẳng thể tiết kiệm được.

Xót xa vì con viêm phổi, viêm họng mùa hè

Cứ khi nào bé Tít đi học mẫu giáo về, chị Hoa (Yên Ninh, Hà Nội) lại cho bé ngay vào phòng điều hòa. Chị tâm sự: “Thời tiết nắng nóng kéo dài ngày như hiện nay, đến mình là người lớn còn chẳng chịu được oi bức nữa là trẻ nhỏ, vì vậy mình thường xuyên cho bé nằm điều hòa”.

Nhà chị không thuộc diện khá giả nhưng “nhìn con nóng chảy mỡ, ăn không ngon, ngủ không yên, mình không nỡ” nên bắt đầu từ ngày nóng vừa rồi, ngày nào chị cũng bật điều hòa cho con. Thế là ngày ngày chị cho Tít ở tịt trong phòng, không ra phòng khác và càng không cho bé ra ngoài đường trừ khi phải đi học.

Tít 3 tuổi rất nghịch, bé thường trèo leo, chạy nhảy khắp nơi trong phòng. Biết con nghịch nhiều, ra mồ hôi nhiều nhưng chị nghĩ: “Cho nó nghịch chán đi rồi thay áo luôn một thể, chứ 5 phút lại thay thế này thì mệt cả mẹ cả con”.Thế nhưng chị không biết rằng bật điều hòa 26 độ khiến bé bị cảm lạnh sau những lần ra mồ hôi như vậy.

Sử dụng điều hòa đúng cách để trẻ em không bị bệnh hô hấp

Thấy con nước mũi chảy ròng ròng, người nóng hầm hập, nghĩ thế nào chị lại hạ tiếp nhiệt độ phòng xuống 23 độ cho mát, chị vẫn nghĩ chỉ là do thời tiết khó chịu, con quá nóng nên mới có phản ứng như vậy. Sáng hôm sau, chị giật mình khi cặp nhiệt độ thấy con sốt 40 độ, ho kèm đờm, khó thở, thở rít, thấy con thở rút lõm lồng ngực, đưa con đi khám chị mới biết con mình đã bị viêm phổi.

Cũng thiếu hiểu biết khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cho con mà chị Thương (Khuất Duy Tiến, Hà Nội) đã phải khóc dở mếu dở. Thời tiết ngoài trời đang là 39 độ, ngoài bật điều hòa 21 độ, chị còn bố trí thêm 1 cái quạt hơi nước thổi phành phạnh vào chính diện bé Ngọc.

Bé Ngọc tuy mới 14 tháng nhưng khá hiếu động, cứ thấy mẹ hay bà lúi húi làm việc riêng là bé lại tự động mở cửa chạy sang phòng bên cạnh chơi. Cứ thế bé chạy ra chạy vào hai phòng có hai khoảng nhiệt độ chênh lệch nhau. Nhắc khản cổ con chẳng nghe, chị đành mặc kệ. Chị sẽ còn không để ý như vậy nếu không có vụ con sốt đùng đùng phải nhập viện trong tình trạng viêm phế quản.

Chị nói: “Tất cả là do mình, thấy con bé mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mình cứ nghĩ con nóng, bật thêm quạt cho con mát. Mình chưa từng nghĩ mùa hè, trời nóng như đổ lửa thế này mà con vẫn bị cảm lạnh”. Đưa con vào viện, chị vô cùng hoang mang, bế tắc khi nhìn con mới 14 tháng phải dùng kháng sinh liều cao. Cho bé uống 3 ngày chị không thấy đỡ mà còn sốt, ho rất nhiều.

Sử dụng điều hòa nhiệt độ đúng cách rất quan trọng

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Sử dụng điều hòa nhiệt độ đúng cách rất quan trọng”. Tiết trời nắng nóng kéo dài khiến nhiều người đặc biệt là trẻ nhỏ vô cùng khó chịu, sử dụng điều hòa nhiệt độ là một biện pháp “tránh nắng, tránh nóng” khá ổn mà nhiều người thực hiện. Tuy nhiên, sử dụng điều hòa như thế nào để cả nhà an toàn, khỏe mạnh là điều không phải ai cũng nắm được.

Khi sử dụng diều hòa sai cách, cha mẹ sẽ thấy bé bị ảnh hưởng là rõ nét nhất, đặc biệt bé ngoài bị những bệnh liên quan tới đường hô hấp: viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, ho sốt… mà còn khiến cơ thể trẻ mất nước, khô da, khô môi, hệ miễn dịch bị yếu đi.

Bác sĩ khuyên bậc phụ huynh không nên để nhiệt độ trong phòng quá chênh lệch so với ngoài trời. Nhiệt độ lý tưởng nhất nên ở 27 – 28 độ C. Không nên để bé bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ví dụ, không cho bé vào phòng bật điều hòa khi đang ở ngoài trời nắng nóng, không cho bé đang ở trong phòng điều hòa đột ngột ra môi trường có nhiệt độ chênh lệch. Việc tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ chênh lệch sẽ khiến trẻ dễ sốc, ốm vì chưa thích nghi môi trường. Hạn chế cho bé ngồi trong phòng điều hòa thường xuyên bởi điều này sẽ khiến trẻ bị khô da, mất nước, dẫn tới đau họng.

Việc vệ sinh máy điều hòa và phòng ốc cũng vô cùng quan trọng, việc làm này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc lưu trú trong phòng, trong máy điều hòa.

Khi cho trẻ ngồi trong phòng bật máy điều hòa, cha mẹ cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước, nước lọc, nước chanh, nước cam để giảm hiện tượng khô da, mất nước ở trẻ.

Thêm vào đó, lưu ý đến thân nhiệt của trẻ thường xuyên, thường xuyên kiểm tra lưng bé xem có mồ hôi hay không, việc có mồ hôi lưng không lau kịp trong phòng điều hòa rất dễ khiến bé bị bệnh về hô hấp. Tránh để điều hòa thốc gió thẳng vào mặt bé.

Theo TTVN
3 bầu chọn /trung bình: 3